English post here: http://daringsolotrip.com/en/adventure-sa-pa-trip03/
► Bài viết này là nhật ký du lịch của tôi, kể lại chuyến phiêu lưu Sa Pa của tôi hồi tháng 10/2015 , những gì tôi gặp, nơi tôi đi, những hoạt động, trải nghiệm của tôi một cách chân thực, không hư cấu. Mỗi người đều có xu hướng khám phá khác nhau, mong là những thông tin trong chuyến phiêu lưu này của tôi có thể hữu ích cho bạn.
———————————————————————————————————————-
– Loại hoạt động: Tham quan, tìm hiểu văn hóa địa phương, hiking Fansipan, motorcycling.
– Phương tiện: Xe lửa, xe bus, xe gắn máy
– Chi phí: 3 triệu VND (5 ngày, xuất phát từ Hà Nội)
– Trang bị: 50% của bộ đầy đủ. (14Kg bao gồm thực phẩm nhẹ)
———————————-TÓM TẮT PHIÊU LƯU SA PA—————————————-
— Ngày 1: Hà Nội – TP Lào Cai – Chợ Cốc Lếu – TT Sa Pa – Trạm Tôn
+ Tham quan Hà Nội
+ Đi xe lửa đêm đến TP Lào Cai
+ Tham quan chợ vùng biên Cốc Lêu, sông Hồng
+ Đi bộ dạo quanh thị trấn Sa Pa 3 vòng, gặp gỡ và khai thác thông tin từ người địa phương.
+ Tìm cách tự leo Fansipan – mưu đồ bất thành, bị nhiều người cản.
+ Mua tour Trạm Tôn 2 ngày, ghép đoàn
— Ngày 2: TT Sa Pa – Trạm Tôn – Trạm nghỉ 2800m
+ Làn quen với 2 bạn nữ – bạn tốt đồng hành
+ Leo núi đoàn 9 người, Trải nghiệm núi rừng Hoàng Liên Sơn, nghe kể chuyện từ thợ săn H’’Mông
+ Trò chuyện giao lưu cùng các anh dẫn đường, tải đồ.
— Ngày 3: Trạm nghỉ 2800m – Trạm Tôn – TT Sa Pa
+ Bỏ đoàn đi trước 1 mình lên đỉnh Fansipan trước, một mình gào thét thú tính.
+ Tiếp xúc với những người xây dựng cáp treo Fansipan
+ Hiểu nhiều hơn về các thành viên trong đoàn
+ Nghe kể chuyện về chợ Tình, chợ Phiên, phong tục cưới hỏi người H’Mông
+ Thưởng thức cảnh núi rừng Hoàng Liên
+ Tiếp xúc với chủ quán trà kì quái, học hỏi kinh nghiệm phiêu lưu từ chủ quán
— Ngày 4: TT Sa Pa – Tp Lào Cai
+ Thuê xe máy TT Sa Pa – Hang Đá – Bản Dền – Sa Pả
+ Tiếp xúc với trẻ em vùng cao
+ Những cảnh đẹp với thung lũng Suối Vàng
+ Gặp anh Giàng A Bình, bữa trưa đặc biệt ở bản Bản Sào Chua
+ Đèo Ô Quy Hồ – chưa thực hiện được
+ Trở bề thành phố Lào Cai
———–ĐÁNH GIÁ: chuyến phiêu lưu 03: Trung bình 5.2/10
– 7/10 : Phiêu lưu
– 1/10 : Liều lĩnh
– 8/10 : Văn hóa
– 9/10 : Kết giao bạn bè
– 2/10 : Sự chuyên nghiệp
– 4/10 : Nỗ lực
3.1 Ngày 1: Hà Nội – TP Lào Cai – Chợ Cốc Lếu – TT. Sa Pa – Trạm Tôn
– Tôi ở Hà Nội 1 ngày, ghé chỗ 1 số người thân, đi tham quan một số nơi ở Hà Nội như Hồ Hoàn Kiếm, Hồ Tây, kem Tràng Tiền, Cầu Long Biên, nhà thờ Lớn Hà Nội, Đại học Bách Khoa HN, ĐH Quốc Gia Hà Nội. Buổi chiều tôi mua vé ở Ga Hà Nội đi Lào Cai, có mấy chị bán vé dễ thương, hướng dẫn nhiệt tình.
– Tôi đi bộ từ Ga Lào Cai ra bến xe Phố Mới (khoảng 500m) để đi xe buýt đến Sa Pa. Tôi ghé qua chợ Cốc Lếu – 1 khu chợ vùng biên nổi tiếng, phía sau chợ là sông Hồng, nhìn rất thích, nước chảy dữ dội, chắc là phía thượng nguồn mưa dữ lắm. Trở lại chợ, phải nói là cái gì ở đây cũng có, tôi đi dạo mấy tiệm đồ gia dụng, cái Búa rìu đa năng tôi mua ở chợ Dân Sinh 130K, ở đây bán 70K, đúng là chợ vùng biên, dễ mua dễ bán . Ăn sáng trong chợ, hỏi chủ quán nhiều về đặc sản Lào Cai (thịt trâu khô, hạt dẻ, thịt lợn muối, thắng cố).
– Khoảng 9h, tôi ra trạm xe buýt ngồi đợi, ngồi dưới vỉa hè đọc sách đợi xe buýt. Đợi phải hơn 20 phút mới có xe buýt (xe 29 chỗ, khá sạch sẽ). Trên xe có bác tài vui tính, nói chuyện chọc ghẹo một chị người H’Mông xinh gái, tiếc là chị này có chồng con rồi. Trên đường đi ngắm cảnh núi rừng Hoàng Liên Sơn thật đẹp, có ruộng bậc thang lúa vàng, chợ ven đường bán rau củ.
– Khoảng 9h40, tôi tới thị trấn Sa Pa, xe đỗ gần nhà thờ đá. Thấy vậy, tôi xuống xe đi dạo một vòng nhà thờ, công viên, nhưng không vào khu du lịch Hàm Rồng. Có rất nhiều người mời chào tôi ở homestay, khách sạn, chào bán đồ lưu niện, họ nói với tôi bằng tiếng anh, bảo tôi giống người Nhật hoặc Hàn Quốc, chứ họ không nghĩ 1 người Việt lại ăn mặc mát mẻ như vậy giữa tiết trời này của Sapa.
– Tôi bắt đầu thực hiện ý định trèo lên đỉnh Fansipan tự túc của mình, tôi hỏi các chú xe ôm mọi cách để có thể trèo lên đỉnh Fansipan mà không cần phải mua tour lữ hành. Tất cả họ đều lảng tránh và chỉ cho tôi những công ty lữ hành ở gần công viên bán tour Fansipan. Họ nói ai lên núi cũng phải mua tour, trên đó có kiểm lâm, lên mà không có giấy phép sẽ bị bắt xuống phạt tiền. Nghe họ nói, tôi cảm thấy khá ức chế, tôi tự tin mình có đủ khả năng leo núi một mình, bản thân cũng đã tự mang trang bị đầy đủ mọi thứ. Tôi đơn giản nghĩ chỉ cần làm thủ tục với ban quản lý rừng, mua vé tham quan, rồi tự leo đường mòn lên, cần gì mua tour, thuê người dẫn đường, thuê người vác đồ làm gì. Cuối cùng tôi vào trung tâm thông tin du lịch, cố gắng hỏi có cách nào không cần mua tour mà vẫn có thể leo đỉnh Fansipan đúng quy định. Tại đây, tôi gặp 2 em hướng dẫn, họ nhìn nhau và nói với tôi rất nghiêm túc rằng không có cách nào, chỉ có người địa phương sống ở đó mới vào khu vực đó thôi. Hai em này chỉ cho tôi chỗ mua tour leo Fan rẻ nhất và đưa cho tôi một cái bàn đồ.
– Tôi tiếp tục đi quanh khu đó, vào các công ty lữ hành hỏi giá, dịch vụ, quả nhiên chỗ 2 em kia chỉ là rẻ nhất (1,150K/tour ghép đoàn 2 ngày 1 đêm). Tôi hẹn họ sẽ quay lại vào buổi chiều. Tôi đi vòng quanh hồ Sa Pa, rồi kiếm một quán cơm bình dân ăn trưa. Trong lúc ăn trưa, tôi tranh thủ hỏi chủ quán rất nhiều về việc leo Fansipan, mặc dù họ trả lời rất nhiệt tình, nhưng hình như họ nhìn ra sự phiền phức trong đó nên đều khuyên mua tour. Ăn xong tôi cảm ơn họ về những thông tin hữu ích trên rồi rời đi mua 1 số thực phẩm và nước suối. Lúc trở lại, tôi ngồi tắm nắng ở quảng trường trung tâm Sa Pa, tuy giữa trưa, nhưng vẫn hơi lạnh một chút.
– Ngồi ở quảng trường canh me mấy tay xe ôm để hỏi thăm, cuối cùng tôi cũng gặp một tay xe ôm có cao kiến. Anh ta chở tôi tới ban quản lý Hoàng Liên Sơn, sau đó tôi vào nói chuyện với những người trong đó, tôi xin mua vé tham quan mà không thông qua công ty lữ hành nào, như vậy chỉ khoảng 400-500K, (vé tour 1,150K). Tôi cố gắng nài nỉ họ ghép tên tôi vào một đoàn nào đó sáng mai, nhưng chị đó không chịu, kể chuyện hù tôi nữa chứ. Chị ta kể nhiều người tự leo bị lạc trên núi, có người chưa tìm thấy, chị kể cách đây 2 năm, có 2 thanh niên người Mỹ, tự leo chui, bị lạc, lấy điện thoại vệ tinh gọi về cho gia đình ở Mỹ, rồi gia đình gọi cho chính quyền địa phương ở Mỹ, rồi gọi tiếp cho Lãnh sự quán Mỹ ở Việt Nam, rồi tới Ủy Ban Nhân Dân tỉnh Lào Cai, rồi tới Khu Bảo Tồn Hoảng Liên Sơn. Hai người này tưởng có trực thăng tới cứu hộ, nên tìm chỗ đất trống ngồi đợi, cuối cùng 2 ngày sau đội giải cứu mới tới nơi đó, khi ấy 2 anh đó vừa rách hết quần áo vừa đói và lạnh. Tôi nghe vậy có chút sợ, nhưng vẫn kêu xe ôm chở tới bản làng gần chân núi hướng về Trạm Tôn, để kiếm đường mòn đi lên.
– Đi được 1 đoạn tôi kể anh ta nghe chuyện 2 thằng Mỹ, tay xe ôm nghe xong kêu không đi nữa, chở tôi quay lại thị trấn. Tôi định xuống xe đi bộ một mình hướng lên núi rồi hỏi đường người dân, kiểu gì 4-5 ngày cũng tới nơi, như vậy sẽ thú vị hơn nhiều. Anh xe ôm cảm thấy phiền phức nên nhất định không chịu, nếu tôi tự đi, anh ta quay về báo kiểm lâm bắt tôi. Xét ra cũng đúng, nếu tôi có chuyện gì thì anh này cũng liên lụy một phần, giả sử tôi tự lần mò lên Fansipan, có lẽ kết cục cũng như bạn Aiden Web, nhưng trình của tôi lúc đó chắc trụ không quá 2 ngày trên Hoàng Liên Sơn. Anh ta lại chở tôi về nhà thờ đá. Ngồi đó tắm nắng một lúc, cảm thấy buồn chân, tôi lại đi vòng xuống đường Ngõ Ngô Mây, đi dạo khu phố mua sắm, đi vòng xuống tận khu thung lũng Mường Hoa, rồi vòng lên.
– Khoảng 15h tôi quay lại tiệm lữ hành ban sáng đặt tour leo Fansipan từ Trạm Tôn 2 ngày 1 đêm, tôi mong muốn tour trong ngày mà họ không bán, họ lý giải tại đó hiện không bán tour leo Fansipan trong ngày cho người Việt, tôi nghĩ thầm sao họ có thể coi thường thể lực người Việt như vậy. Tôi hỏi tour 3-4 ngày đi từ bản Cát Cát và Sín Chải, tôi từng đọc nhiều bài báo về 2 cung đường này, thấy khá thú vị, đúng với mong muốn của tôi. Nhưng những cung đường đó hiếm, tôi buộc phải thuê riêng người dẫn đường, khá mắc đối với tôi.
– Buổi chiều tà, khi mọi việc đã hoàn tất, tôi tiếp tục đi dạo. Tôi vào tham quan nhà thờ đá, nhờ một cô bé chụp hình giùm, rồi xin chụp chung luôn, kế tiếp tôi bắt chuyện và rủ đi dạo chung, chúng tôi vừa đi vừa nói chuyện, tôi có được nhiều thông tin từ cô bé này. (Cô bé này làm ở một homestay ở bản Tả Van, lên trung tâm chơi, đang chờ anh họ tới đón).
– Khoảng 16h30, tôi tìm được phòng Dormitory có giá 70K/đêm, phòng Dorm có tới 5 cái giường tầng nhưng chỉ có mình tôi vì đang ở giữa tuần nên ít khách du lịch, khá thoải mái. Lúc lên phòng, tôi đẩy cửa vào thì có 2 cô gái người Pháp đang thay đồ bên trong, liếc nhìn một cái rồi nói “sorry” đi ra ngoài.
– Tôi ngồi nói chuyện với anh chủ khách sạn một lúc, nhiều chuyện rất hay, tôi hỏi anh về những thắc mắc khi dạo quanh Sa Pa từ sáng tới giờ. Vì sao chỉ thấy phụ nữ và trẻ em ra ngoài đường mua bán, đàn ông thấy ít? Trời lạnh như vậy những em bé trên lưng mẹ lạnh vậy sao chịu được?… Tôi chia sẻ những hiểu biết của mình về những đồng bào thiểu số ở Tây Nguyên mà tôi biết với anh về việc đi bắt vợ, gia đình mẫu hệ, ma quỷ trong truyền thuyết người Gia Rai. Thấy vậy, anh cũng chia sẻ nhiệt tình những gì anh biết về người dân nơi đây
** Theo anh này thì đàn ông người H’Mông rất sướng, chỉ cần khổ luyện giai đoạn đầu kiếm vợ, khi lấy về rồi thì lo những công việc nặng nhọc vào ngày mùa, còn lại vợ lo hết. Thậm chí đi tiệc tùng trong bản về xỉn quá nằm ra đường ngủ thì vợ cầm ô ngồi kế bên che cho chồng tới khi nào tỉnh rượu thì cùng về. Trẻ em ở đây từ nhỏ đã ra sương gió, có lạnh 9-10độ C mẹ chúng cũng dắt ra ngoài, anh từng thấy có đứa trẻ sơ sinh đang còn đỏ lỏm người cũng ra ngoài với mẹ chúng. Khi lớn lên một chút, chúng đã phải mang vác vật nặng, vì thế thể trạng thường nhỏ con nhưng đôi chân khá to và khỏe, kể cả phụ nữ. Anh nói trước kia người Kinh ở đây ít, có nhiều thứ kì quái lắm, bùa chú tùm lum, lúc đó người Kinh nhìn thấy người địa phương rất sợ, sau này ít dần.
– Cô bé Tả Van chỉ tôi một quán ăn kiểu miền núi ở trong hẻm rất ngon, cơm nấu theo kiểu địa phương (25K), có canh măng, rau bí xào, thịt heo ngập mặt luôn, đồ ăn còn nhiều hơn cả cơm (chú chủ quán nói người miền núi ăn như vậy mới có sức). Ăn xong tôi đi dạo khắp Sa Pa.